Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Lịch công tác tuần


Chi tiết tin

Tiếng trống Làng Lê

Lượt xem: 1307

Tiếng trống Làng Lê

TIẾNG TRỐNG LÀNG LÊ
Làng Lê, tháng 3/2016
Tài sản chung của làng…

Từ hơn 04 tháng nay, người dân nóc Làng Lê của xã Trà Don, huyện Nam Trà My, đã quen với tiếng trống vang lên từ nhà trưởng nóc Hồ Văn Thường, điều đó có nghĩa là tối nay nóc có việc phải họp dân. Không như các thôn, tổ ở đồng bằng, người dân ở đây khi có việc chung của xã, thôn, nóc, đều phải họp dân vào ban đêm để triển khai công việc, vì ban ngày bận còn đi rẫy. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, xã chưa có điều kiện trang bị cho cán bộ văn hóa thôn bộ loa để thông tin, tuyên truyền lưu động, nên việc họp dân để kịp thời đưa chủ trương, chính sách mới của huyện, xã đến người dân luôn được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, giao thông còn nhiều khó khăn, đường đi đến rẫy của bà con được tính bằng đơn vị giờ đi bộ; nhiều nhà ở của bà con tuy trong cùng nóc nhưng cũng khá tách biệt, nên khó có thể mời gọi người dân tập trung đông đủ. Vì vậy, từ ý tưởng để có thể thông tin nhanh nhất đến từng nóc nhà, người dân Làng Lê đã tự nguyện đóng góp kinh phí mua một chiếc trống để làm công cụ phát đi thông báo mỗi khi có việc cần họp dân.

Lúc mới mua về, nhiều người thấy lạ, vì trống người “doanh”[1] làm khác với trống truyền thống làm bằng da thú rừng trong bộ cồng chiêng của người Ca Dong. Trống người “doanh” không thuôn, dài, không có dây căng mặt trống làm bằng sợi mây, đan chéo dọc theo thân trống rất đẹp như trống người Ca Dong; nhưng tiếng trống lại thanh và vang xa lắm, chứ không trầm hùng như tiếng suối, tiếng thác, tiếng nhạc rừng của tiếng những chiếc trống mà tổ tiên người Ca Dong còn truyền lại ở hiếm hoi một vài gia đình. Và giờ thì người dân Làng Lê đã quen với tiếng trống người “doanh”, xem chiếc trống là tài sản chung của nóc và giữ gìn cẩn thận ở nhà trưởng nóc. Mỗi đêm, khi tiếng trống từ nhà trưởng nóc Hồ Văn Thường chen qua màn sương dày đặc, vượt qua con khe, con suối, vang lên khắp nóc, mỗi hộ gia đình biết là tối nay phải cử thành viên đi dự hợp, để nắm bắt những công việc của xã, thôn, nóc cần triển khai đến người dân.



Đánh trống tập trung dân làng

Trăn trở giấc mơ thoát nghèo bền vững.

{Làng Lê là 01 trong 02 nóc của Thôn 2, xã Trà Don, huyện Nam Trà My. Nằm ở trung tâm xã, Làng Lê có 101 hộ, hơn 700 nhân khẩu, với nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, đất đai phục vụ sản xuất, nhưng Làng Lê lại có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đứng nhất toàn xã, khi có đến 87/101 hộ nghèo và cận nghèo.}

Cuộc họp nóc tối nay có tổ công tác của xã và đồng chí cấp ủy huyện phụ trách xã về tham dự. Bên lề những nội dung tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (Nhiệm kỳ 2016 – 2021), việc chuẩn bị tham gia hội chợ sản phẩm đặc trưng miền núi diễn ra tại huyện nhân dịp huyện đang cai tổ chức Đại hội thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ I/2016, thì câu chuyện đăng ký thoát nghèo bền vững được bà con tham gia sôi nổi, hào hứng và cũng gay cấn nhất.


Họp dân làng

Là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện, Trà Don được ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư, trong đó, trọng tâm là xây dựng giao thông nông thôn và thực hiện giảm nghèo bền vững. Năm 2015, trên cơ sở các chủ trương, chính sách và nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã Trà Don đã xây dựng phương án thoát nghèo, với những hỗ trợ cụ thể cho các hộ đăng ký thoát nghèo; tuy nhiên, nhận thức và ý thức tự giác của người dân trong việc đăng ký thoát nghèo bền vững còn nhiều hạn chế, nên tỷ lệ hộ đăng ký và được xét thoát nghèo vào cuối năm 2015 không đạt chỉ tiêu đề ra. Đây là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã, khi là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 74,65% (427 hộ/572 hộ), đứng thứ 5/10 xã của huyện.

Chính vì vậy, năm 2016, cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị xã đã quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ, tập trung tuyên truyền, vận động hộ dân đăng ký thoát nghèo bền vững, trước hết là từ cán bộ, đảng viên của xã, thôn. Điều mà nhiều người dân vẫn còn băn khoăn, là chưa hiểu rõ chủ trương, chính sách hỗ trợ cụ thể khi đăng ký thoát nghèo. Bên cạnh đó, cũng không ít hộ dân còn tư tưởng ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn đăng ký thoát nghèo, trong khi gia đình có những điều kiện thuận lợi về đất sản xuất, sức lao động. “Ngoài ra, tâm lý tị nạnh, phân bì trong thực hiện chế độ của một bộ phận người dân vẫn còn phổ biến. Vì vậy, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các hội, đoàn thể xuống từng thôn, nóc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về các chính sách hỗ trợ và tự giác đăng ký thoát nghèo. Có như vậy, xã mới có thể đạt được chỉ tiêu về giảm nghèo và xây dựng thành công xã điểm nông thôn mới của huyện” – chị La Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Dự án 600 của xã, giải thích thêm với tôi.

Sau khi được giải thích cụ thể những chính sách hỗ trợ thoát nghèo, nhiều người dân dự họp đã tự giác giơ tay đăng ký ghi tên vào danh sách đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2016. Đây là tín hiệu vui để Làng Lê phấn đấu nâng tỷ lệ hộ đăng ký thoát nghèo bền vững đợt 1 năm 2016, góp phần cùng xã Trà Don thực hiện có hiệu quả chủ trương thoát nghèo bền vững.

* * *

Sương đêm đã nặng hạt trên những tán cây, rơi gõ vào mái tôn nhà nóc trưởng; bốn bề núi rừng đã ngủ yên trong màn mây phủ trắng xóa, lất phất những hạt mưa chuyển mùa. Thấp thoáng ánh đèn pin và tiếng bước chân ra về trên con đường bêtông liên nóc vừa được hoàn thiện chưa lâu. Không có nhiều tiếng nói, nhưng dường như ai cũng thấy có điều gì đó rất lạ, như là niềm tự hào, như tiếng trống thôi thúc, một quyết tâm trào dâng lên, sau tiếng vỗ tay tán thưởng, đồng tình của những người dự họp với lời phát biểu của đồng chí cấp ủy huyện: “Làng Lê và xã Trà Don ta những năm kháng chiến, mỗi một nóc nhà, mỗi một người dân đã hăng say lao động, chiến đấu, đóng góp bao sức người, sức của cho Đảng, cho cách mạng, góp phần làm nên truyền thống hào hùng của vùng căn cứ địa Khu ủy và Ban Quân sự Khu V. Ngày nay, bà con mình đã làm chủ núi rừng, lại được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, định hướng phát triển kinh tế gia đình và chăm lo các chính sách về an sinh xã hội, chúng ta càng phải phát huy truyền thống quê hương, quyết tâm đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu thoát nghèo và chung tay xây dựng thành công xã nông thôn mới của huyện. Tôi tin, bà con Làng Lê chúng ta nhất định sẽ làm được!



[1] Người “doanh” – tiếng đồng bào Ca Dong dùng để gọi người Kinh, người đồng bằng.

Tác giả: Ngô Trần

Nguồn tin: Ghi chép của Ngô Trần


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: