Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Lịch công tác tuần


Chi tiết tin

Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới

Lượt xem: 314

Vai trò nêu gương trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới là ý thức, nghĩa vụ bổn phận của cán bộ đảng viên, là thước đo đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân, đòi hỏi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phải luôn đề cao trách nhiệm. Nội dung nêu gương gương mẫu trong lời nói - việc làm, “trong công tác, sinh hoạt”, “chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh điều lệ, chế độ quy định của Quân đội cũng là một trong những vấn đề mà 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã được khái quát trong Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.


Nêu gương là làm mẫu, là tạo ra một chuẩn mực cho người khác học và làm theo. Nêu gương còn là cách mà con người xã hội hóa nhân cách cá nhân theo một chuẩn mực nhất định, để người khác học tập, thực hành và làm theo... Vì vậy, nêu gương trước hết là một phạm trù của giáo dục, của lãnh đạo. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã nghiên cứu phạm trù nêu gương dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong công tác vận động quần chúng, C.Mác và Ph.Ăngghen căn dặn, phải có phương pháp, đặc biệt là phương pháp nêu gương, “không chỉ bằng lời nói mà cả bằng việc làm và bằng nêu gương”. V.I.Lênin nhấn mạnh phải xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền thật sự là một đảng tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Tổ chức đảng, đảng viên phải là tấm gương đạo đức, hết lòng, hết sức phục vụ đất nước và phụng sự nhân dân; hết mực trung thành với Đảng, tận tụy với công việc, đoàn kết, giúp đỡ, yêu thương con người, yêu thương đồng chí. V.ILênin rất coi trọng phương pháp thuyết phục, giáo dục và nêu gương đối với quần chúng nhân dân; phê phán những đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng không gương mẫu, không dũng cảm hoặc “rất ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống để giáo dục quần chúng”. Người yêu cầu thực hành phương pháp lấy kinh nghiệm lâu dài, lấy ví dụ thực tế để chứng minh cho quần chúng thấy rõ sự cần thiết của công việc và công khai làm cho mọi người dân biết công việc của Đảng, của Nhà nước.

Kế thừa, bổ sung và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đề cập đến vấn đề nêu gương trước quần chúng của người cán bộ, đảng viên; trước hết, là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong các buổi nói chuyện hay các bài viết, Hồ Chí Minh luôn đề cập, sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương” với tần suất lớn. Chỉ riêng trong tác phẩm Hồ Chí Minh Toàn tập, có tới hàng trăm lần Người nhắc đến từ “nêu gương”, “làm gương". Người chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và răn dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao cần nêu gương trên ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với việc, phải nêu gương, làm mực thước cho quần chúng noi theo; nói phải đi đôi với làm. Người chỉ rõ: “Cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”...Tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện cả về lý luận và phương pháp, Người đã thể hiện phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, mẫu mực và tự nhiên trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.

Thực tế qua các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay cho thấy, đã có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ Quân đội học tập phong cách nêu gương của Người, chấp nhận hy sinh, gian khổ để mang lại bình yên cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân. Nhiều tấm gương dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển, đảo; trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; nhiều tập thể, cá nhân không quản ngại khó khăn, gian khổ, gắn bó với vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động cách mạng, các phong trào và nhiệm vụ chính trị của địa phương; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.


Đặc biệt, trong những trận bão lũ lịch sử tại Miền Trung xảy ra vào tháng 10 và tháng 11/2020 ở các địa phương, như: Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Trà Leng, Phước Sơn (Quảng Nam)..., đã in đậm dấu ấn và hình ảnh của “Bộ đội Cụ Hồ”. Cán bộ, chiến sĩ đã không quản mưa lũ, bão bùng, các anh vẫn đi để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Hay thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, người chiến sĩ lại đương đầu trên mặt trận “chống giặc” mới. Họ bất chấp hiểm nguy đến tính mạng, bám trụ các điểm chốt nơi rừng thiêng, nước độc để canh giữ biên cương không cho dịch tràn vào; nhường doanh trại cho Nhân dân cách ly tập trung… đó là những hình ảnh cao đẹp của phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng hiện nay, để tiếp tục đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới, theo chúng tôi, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của trách nhiệm thực hiện nêu gương. Thấy được đây là yêu cầu, nhiệm vụ khách quan, cấp thiết, cơ bản, lâu dài và là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Nhằm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.

Hai là, phát huy tinh thần tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện về trách nhiệm thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nêu gương là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ rằng, việc tự tu dưỡng, rèn luyện về trách nhiệm thực hiện nêu gương không thể là ngày một, ngày hai, mà là việc làm cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Vì vậy, từng người phải không ngừng chủ động, nêu cao ý thức tự giác, tích cực tu dưỡng, rèn luyện, xác định rõ động cơ và trách nhiệm thực hiện nêu gương. Các nội dung tự tu dưỡng, rèn luyện về trách nhiệm thực hiện nêu gương cần được đưa vào sinh hoạt trong các tổ chức đảng, sinh hoạt cơ quan, đơn vị, sinh hoạt trong các tổ chức quần chúng và trở thành nền nếp hằng tháng, hằng quý, hằng năm theo kế hoạch của từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức quần chúng và cá nhân cụ thể.

Đặc biệt, mỗi cán bộ đảng viên phải nghiêm khắc “tự soi", "tự sửa", thường xuyên đối chiếu với những nội dung tự tu dưỡng, rèn luyện về trách nhiệm thực hiện nêu gương của bản thân để tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa. Việc “tự soi", "tự sửa” đòi hỏi mỗi người phải có tính tự giác, thật thà và trung thực, nhất là khi “tự soi”, “tự sửa" những hạn chế, khuyết điểm của bản thân.

Ba là, chú trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến về trách nhiệm thực hiện nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Kịp thời phát hiện, xây dựng và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, tạo động lực, cổ vũ toàn thể cán bộ, chiến sĩ ra sức thi đua học tập, tu dưỡng và rèn luyện, nêu cao ý thức, trách nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm nêu gương mang lại hiệu quả, thiết thực. Việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến cần được tiến hành thường xuyên, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và của mỗi người, khắc phục những biểu hiện của “bệnh thành tích”, “đầu voi, đuôi chuột”, làm không đến nơi, đến chốn hoặc “chờ” tới hội nghị sơ kết, tổng kết mới xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát, đánh giá việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; kết hợp chặt chế giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình; xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng lãng phí; thiếu gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, vi phạm quy chế làm việc, mất đoàn kết nội bộ... Kiên quyết phê phán, đấu tranh chống các biểu hiện không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều, làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, thụ động, ngồi chờ, sợ trách nhiệm... Qua kiểm tra, giám sát phải làm rõ đúng, sai; đánh giá, kết luận phải công tâm, khách quan, chính xác, kịp thời, tránh nể nang, bao che, né tránh. Lấy kết quả kiểm tra, giám sát về trách nhiệm thực hiện nêu gương là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên.

Thực hiện trách nhiệm nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của cán bộ, đảng viên đối với chính mình và đối với cơ quan, đơn vị nơi sinh hoạt, công tác. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống chính trị; qua đó, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với Quân đội

Tác giả: Hồng Trung - Chính trị viên phó cơ quan quân sự huyện

Nguồn tin: Cơ quan quân sự huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: