Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Lịch công tác tuần


Chi tiết tin

Xây dựng nông thôn mới ở Nam Trà My: Những vấn đề thực tiễn

Lượt xem: 2224

Những năm qua, huyện Nam Trà My đã tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM). Việc tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đã đạt được những kết quả khả quan. Song, làm thế nào để cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là nông dân nhận thức được vai trò chủ thể trong công tác xây dựng NTM, là người được thụ hưởng những thành quả mà chương trình xây dựng NTM mang lại để tự giác và tích cực tham gia là vấn đề thực tiễn đặt ra đối với các cấp, các ngành của huyện.




Từ Chương trình MTQG về xây dựng NTM, đến nay, 10/10 xã đã có đường ô tô đến trung tâm

Kết quả xây dựng nông thôn mới hiện nay

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, UBND huyện đã xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và tạo sinh kế từ rừng, phát triển vùng chuyên canh quế, cây dược liệu thế mạnh của địa phương nhằm góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tập quán canh tác, tăng cường đầu tư thâm canh, phát triển nông - lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, theo hướng lựa chọn cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp từng vùng và từng điều kiện thổ nhưỡng. Mở rộng diện tích lúa nước, đẩy mạnh phát triển cây quế giống gốc Trà My, cây sâm Ngọc Linh; các loại cây dược liệu, cây bản địa khác; đầu tư mạnh vào lĩnh vực trồng rừng, trồng cây nguyên liệu. Phát triển chăn nuôi đại gia súc (bò, dê). Tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng hiện có.

Kết quả huy động nguồn lực để xây dựng chương trình giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 91,90 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2016-2018: 32,22 tỷ đồng; năm 2019: 18,79 tỷ đồng; dự kiến năm 2020: 40,90 tỷ đồng. Các phong trào thi đua xây dựng NTM đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, theo đúng lộ trình đề ra. Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, kết quả đạt tiêu chí của các xã như sau: xã Trà Mai (xã nông thôn mới của tỉnh) đạt 15 tiêu chí; xã Trà Tập đạt 07 tiêu chí; xã Trà Cang đạt 06 tiêu chí; xã Trà Dơn đạt 07 tiêu chí; xã Trà Leng đạt 06 tiêu chí; xã Trà Vân đạt 08 tiêu chí; xã Trà Vinh đạt 06 tiêu chí; xã Trà Don đạt 09 tiêu chí; xã Trà Nam đạt 08 tiêu chí; xã Trà Linh đạt 08 tiêu chí, bình quân chung 8 tiêu chí/xã.

Từ khi Chương trình được triển khai thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã từng bước được xác định rõ ràng. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguồn lực hạn chế, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo các cấp đã nỗ lực cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đây là kết quả quan trọng, là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu của các năm tiếp theo.

Những vấn đề thực tiễn đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết, đó là tiến độ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn chậm so với mục tiêu đặt ra, phong trào xây dựng nông thôn mới không đồng đều.  Trong thực hiện các nội dung xây dựng NTM, tập trung cao cho xây dựng cơ sở hạ tầng, các nội dung về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường…chưa được quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức nên chậm có chuyển biến rõ nét. Chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các địa phương có điểm xuất phát thấp và điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Sự phối hợp của một số ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện Chương trình thiếu đồng bộ, nhất là ở giai đoạn đầu dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm. Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của người dân chưa thường xuyên, rộng khắp. Nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc huy động nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình đạt thấp. Một bộ phận cán bộ, Nhân dân còn trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM chưa được phát huy tối đa. Thực hiện xã hội hóa trong huy động nguồn lực xây dựng NTM còn hạn chế.

Việc lập quy hoạch, đề án, phương án, kế hoạch nhiều địa phương thực hiện còn lúng túng, chậm tiến độ. Nhóm các tiêu chí đóng vai trò quyết định đến sản xuất, đời sống và an sinh xã hội như: giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường nhiều xã chưa đạt. Một số nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn đã được đầu tư xây dựng trước đây chưa đạt chuẩn theo quy định; khu thể thao xã, thôn đã được quy hoạch nhưng chưa được xây dựng. Các công trình CSVCVH thôn chưa được phát huy. Đường dây điện sau công tơ về nhà dân chưa thật sự đảm bảo an toàn kỹ thuật điện. Mô hình tiêu biểu, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới còn ít. Trong sản xuất, việc nhân rộng các mô hình hiệu quả còn hạn chế. Các doanh nghiệp và kinh tế hợp tác phát triển chưa mạnh, chưa thực hiện tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đầu tư, xây dựng, giải ngân một số công trình ở một số xã còn chậm.

Để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, huyện Nam Trà My xác định mục tiêu trọng tâm trong Chương trình xây dựng NTM thời gian đến là nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Do đó, sẽ cân đối, bố trí nguồn lực, tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi, các công trình nước sinh hoạt phục vụ dân sinh, tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân. Các loại cây dược liệu được đầu tư, nâng cao hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích. Kinh tế vườn được xác định là chủ lực, ngành nông nghiệp từng bước đưa vào trồng các loại cây mới, đó chính là điều kiện hướng tới góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.



Tác giả: Ban Tuyên giáo Huyện ủy


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: