Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội chủ yếu bằng sự thuyết phục chứ không phải mệnh lệnh hành chính. Nhân dân tin Đảng và đi theo Đảng bởi uy tín, niềm tin, khả năng thuyết phục của Đảng đối với xã hội. Sức thuyết phục đó được biểu hiện ở đường lối chính trị đúng đắn, ở trí tuệ và uy tín của Đảng, mà cốt lõi là trách nhiệm nêu gương và sự ưu tú của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trách nhiệm nêu gương là phương thức lãnh đạo của Đảng, có sức thuyết phục tốt nhất, hiệu quả nhất để tập hợp quần chúng, tạo nên sức mạnh đoàn kết thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”.
Thực tiễn trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên trong những năm qua được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu các cấp được phát huy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương đạt kết quả tích cực; đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ được thực hiện quyết liệt, đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; do vậy, “phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước đổi mới, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được nâng lên”. Tuy nhiên, “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”... Để nêu cao tinh thần trách nhiệm nêu gương, cần thực hiện tốt những nội dung biện pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp về trách nhiệm nêu gương. Để nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc học tập và quán triệt đầy đủ nội dung trong các quy định của Đảng về nêu gương. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định nêu gương vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, phải được thể hiện trong cuộc sống, trong công tác. Đối với cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của hệ thống chính trị, trách nhiệm nêu gương càng phải được đề cao và phải được thực hiện nghiêm túc. Cần xác định nêu gương trên tất cả các mặt. Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, thực hiện tự phê bình và phê bình, mối quan hệ với Nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và giữ gìn đoàn kết nội bộ. Các nội dung nêu gương phải gắn với các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Thực hành chuẩn mực đạo đức chính là quá trình thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các cấp ủy cần xây dựng quy chế, quy định và công khai các nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên trước tập thể. Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải mẫu mực, nói đi đôi với làm, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nêu gương cho thành viên trong tổ chức noi theo.
Hai là, tiếp tục cụ thể hóa nội dung nêu gương của từng chức danh, trước hết là của người cán bộ chủ trì các cấp. “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”. Người đứng đầu trong các tổ chức, ngoài thực hiện các nội dung nêu gương theo quy định, cần phải thực hiện nêu gương gắn với chức trách, nhiệm vụ của mình. Đối với bí thư cấp ủy, phải thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương trong hoạt động lãnh đạo, như: Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; gương mẫu trong đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; gương mẫu nhận diện và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...; gương mẫu trong thực hiện phong cách nói đi đôi với làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi xảy ra sai phạm. Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải tự giác, gương mẫu trong việc xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và đăng ký cam kết thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ba là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; cán bộ, đảng viên phải tự giác, nghiêm túc đăng ký thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến. Mỗi cấp ủy cần căn cứ vào đặc điểm của đơn vị mình để xây dựng nội dung thực hiện các phong trào thi đua, gắn với các nội dung cụ thể của việc học tập tấm gương của Bác. Từng cán bộ, đảng viên gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng chương trình hành động, cam kết thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương đã trở thành một quy định của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, không phải cán bộ, đảng viên nào cũng tự giác, làm gương, nêu gương. Do đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề trong thực hiện quy định của Đảng về nêu gương. Thông qua kiểm tra, giám sát, phát hiện những điển hình trong nêu gương để nhân rộng; những hạn chế của cán bộ, đảng viên trong thực hiện trách nhiệm nêu gương để kịp thời chấn chỉnh. Kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đảng viên. Để làm tốt việc này, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra cụ thể. Quán triệt đến tổ, đoàn kiểm tra thực hiện nghiêm kế hoạch, công tâm, khách quan trọng việc đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương.