Nam Trà My là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, diện tích tự nhiên là 82.546,04 ha, dân số là 34.906 người với 97% là dân tộc thiểu số. Trong đó dân tộc Ca Dong chiếm 53,54 %, Xê Đăng chiếm 35,20 %, M’Hnoong chiếm 7,53 %, Cor chiếm 0,1%, dân tộc Kinh chiếm 4,3 %, dân tộc khác chiếm 0,06%. Mật độ dân số khoảng 31 người/km2. Tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao năm 2021: là 4.330 hộ chiếm 54,7% số hộ dân cư; hộ cận nghèo 147 hộ chiếm 1,86% số hộ dân cư. Số lượng người sử dụng mạng xã hội như: Facebook, Youtobe, Zalo, Mesenger, TikTor ngày càng tăng… Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở sử dụng hiệu quả các trang mạng xã hội trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên cùng với đó, lợi dụng sự phát triển của các phương tiện mạng xã hội, các thế lực thù địch ra sức ngụy tạo và lan truyền những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch với mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta, trọng tâm là hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trước những âm mưu và thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội như trên, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được ban hành đã đưa ra bảy nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng mạng xã hội trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng: “…vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch”; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội. Trên cơ sở này, Ban Chỉ đạo 35 huyện Nam Trà My đã thành lập các nhóm chuyên gia, nhóm cộng tác viên tập trung viết bài, chia sẽ hình ảnh đẹp, thông tin bổ ích đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 35 huyện liên tục tổ chức nắm tình hình, xác minh những sự việc, cá nhân có hành vi tuyên truyền, xuyên tác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn huyện. Thành lập các trang Facebook, Zalo như Sông Tranh, Nam Trà My,… để truyền tải những thông tin tích cực đến nhân dân và tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, luôn hướng đến một xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam thông qua âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của mạng xã hội qua đó làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Nam Trà My cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với mạng xã hội trong tình hình mới. Có tư duy đổi mới, sáng tạo phát huy mạnh mẽ vai trò của mạng xã hội, có cơ chế, chính sách, để mạng xã hội khắc phục những hạn chế của mình, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong công tác truyền thông và thăm dò dư luận xã hội theo tinh thần tự do, dân chủ, sáng tạo. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần định hướng tốt công tác tuyên truyền; quản lý tốt thông tin, nhất là những thông tin trên mạng xã hội, internet.
Hai là, cần đẩy mạnh sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo… để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng nhân dân. Thông qua những cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo những nội dung hấp dẫn, đa dạng, nhanh chóng, kịp thời, đổi mới các phương thức tuyên giáo truyền thống, để công tác tuyên giáo thực sự có hiệu quả, có ý nghĩa, có chiều sâu và ngày càng khẳng định vai trò góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của các cơ quan trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giúp người dùng cập nhật các thông tin chính xác, nhanh chóng, góp phần ngăn chặn những thông tin xấu độc, lan tỏa thông tin chính thống, tích cực đến người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Ba là, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách phù hợp để quản lý vấn đề an ninh thông tin trên các trang mạng xã hội. Tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về thông tin và truyền thông nói chung, mạng xã hội nói riêng. Áp dụng và thực hiện hiệu quả các văn bản hiện hành, như Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng và các luật có liên quan. Quản lý chặt chẽ đối với những mạng xã hội có lượng truy cập lớn đặt máy chủ tại Việt Nam, thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xấu, độc khi có yêu cầu. Phát huy hơn nữa lợi thế của mạng xã hội trong cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước, nhằm áp dụng có hiệu quả mạng xã hội, góp phần đẩy lùi các thông tin xấu độc, gây hại cho dư luận xã hội và quần chúng nhân dân. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật.
Bốn là, phát huy vai trò của mạng xã hội kết hợp với truyền thông đại chúng để loại bỏ các thông tin độc hại, xuyên tạc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng các nền tảng mạng xã hội của người Việt có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với các trang mạng xã hội nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Từ đó giữ thế chủ động trên mặt trận quản lý, kiểm soát mạng xã hội, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội chống phá Việt Nam.
Sáu là, phát huy vai trò của mỗi chủ thể trong quá trình quản lý tham gia mạng xã hội. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội là xu thế “báo chí công dân”, với sự trợ giúp và tiện ích của các thiết bị thông minh. Mọi công dân đều có thể sản xuất tin tức và truyền tải trên mạng xã hội, theo đó cùng với việc được trang bị tri thức chính trị, cần tuyên truyền và trang bị các “kỹ năng mềm” trong ứng xử, thực hành trên môi trường mạng, để tùy từng tình huống, vấn đề cụ thể mà mỗi người dân biết cách xử lý phù hợp, tránh vì vô tình hay cố ý mà phát tán hay tiếp tay cho những thông tin, hành vi xấu, độc hại, có khả năng đề kháng trước những thông tin xấu độc, những thông tin sai trái, thù địch, phá hoại tư tưởng và gây mất trật tự xã hội, đe dọa đến an ninh quốc gia, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./