Năm 1996, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 51/95 công bố ngày 16 tháng 11 là Ngày Quốc tế Khoan dung hay Ngày Khoan dung Quốc tế. Hành động này diễn ra sau khi các Quốc gia thành viên của UNESCO thông qua Tuyên bố về Nguyên tắc khoan dung vào ngày 16 tháng 11 năm 1995. Qua đó, Tuyên bố khẳng định rằng khoan dung không phải là buông thả cũng không phải là thờ ơ. Đó là sự tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng phong phú của các nền văn hóa trên thế giới của chúng ta, các hình thức thể hiện và cách làm người của chúng ta. Sự khoan dung thừa nhận các quyền con người phổ biến và các quyền tự do cơ bản của người khác. Con người vốn đa dạng; chỉ có lòng khoan dung mới có thể đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng hỗn hợp ở mọi khu vực trên thế giới.
Tuyên bố xác định lòng khoan dung không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, mà còn là yêu cầu chính trị và pháp lý đối với các cá nhân, nhóm và Quốc gia. Nó nhấn mạnh rằng các Quốc gia nên soạn thảo luật mới khi cần thiết để đảm bảo sự bình đẳng trong đối xử và cơ hội cho tất cả các nhóm cũng như các cá nhân trong xã hội.
Giáo dục về lòng khoan dung nên nhằm mục đích chống lại những ảnh hưởng xấu dẫn đến sự sợ hãi, loại trừ người khác và phải giúp những người trẻ tuổi phát triển năng lực phán đoán độc lập, tư duy phản biện và lý luận đạo đức. Sự đa dạng của nhiều tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và sắc tộc trên thế giới của chúng ta không phải là lý do cho xung đột, mà là một kho tàng làm phong phú tất cả chúng ta.
Năm 1995, để đánh dấu Năm Khoan dung của Liên hợp quốc và kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi, UNESCO đã tạo ra một giải thưởng cho việc cổ vũ lòng khoan dung và bất bạo động. Các Giải thưởng UNESCO-Madanjeet Singh cho việc thúc đẩy khoan dung và Không bạo lực được trao cho các hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, văn hóa hoặc truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần khoan dung và phi bạo lực. Việc thành lập Giải thưởng được lấy cảm hứng từ lý tưởng của Hiến pháp UNESCO tuyên bố rằng “hòa bình, nếu không muốn thất bại, phải được xây dựng trên sự đoàn kết trí tuệ và đạo đức của nhân loại”. Giải thưởng được trao hai năm một lần vào Ngày Quốc tế Khoan dung 16 tháng 11. Giải thưởng có thể được trao cho các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, những người có đóng góp đặc biệt có công và hiệu quả trong việc khoan dung và bất bạo động.
Có thể thấy, để xây dựng nên một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững không chỉ đòi hỏi những nỗ lực về chính trị hay kinh tế to lớn mà còn cần cả những thiện chí gắn kết được xây dựng từ lòng khoan dung giữa các cá nhân, tổ chức, dân tộc và các quốc gia. Đó chính là nhịp cầu mới kết nối sự khoan dung, lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau để cùng chung tay, đồng lòng thúc đẩy sự hợp tác hài hòa trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay.