Dự án trồng Sâm Ngọc Linh đang là mô hình giảm nghèo được huyện Nam Trà My chú trọng phát triển, nhân rộng
Từ năm 2018-2020, huyện Nam Trà My được ngân sách trung ương, tỉnh bố trí để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng số tiền 25.839,580 triệu đồng. Trong đó, Chương trình 30a là 16.682 triệu đồng, chương trình 135 là 9.157,580 triệu đồng.
Đến nay, số mô hình giảm nghèo được hỗ trợ là 09 mô hình, trong đó có 08 mô hình nông nghiệp; 01 mô hình trồng cây dược liệu. Quy mô thực hiện của Dự án là 142 hộ, trong đó: hộ nghèo là 111 hộ, hộ nghèo mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng) là 20 hộ, hộ không nghèo là 11 hộ; hộ có chủ hộ là nữ là 15 hộ; hộ hưởng lợi là người đồng bào dân tộc thiểu số là 142 hộ. Các dự án được đầu tư gồm: Dự án chăn nuôi Bò của các xã Trà Don, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Vân, Trà Vinh; Dự án trồng rau Lũi và Dự án trồng Sâm Ngọc Linh của xã Trà Tập; Dự án trồng Sâm Ngọc Linh và Dự án trồng Đinh Lăng của xã Trà Nam.
Nhiều kết quả khả quan
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nam Trà My cho biết, sau khi được UBND huyện phê duyệt Dự án, UBND của 07 xã đã nhanh chóng triển khai thực hiện Dự án. Đến nay, đã tiến hành nghiệm thu và cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho Nhân dân và quyết toán kinh phí 2.228 triệu đồng với ngân sách đúng theo quy định. Việc xây dựng, lập kế hoạch nhân rộng mô hình giảm nghèo, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và UBND các xã xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2018 - 2020 và hàng năm theo đúng hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Trong quá trình xây dựng kế hoạch có đánh giá hiệu quả các mô hình đã triển khai thực hiện đề xuất nhân rộng; người dân tham gia đầy đủ vào việc lấy ý kiến trong việc xây dựng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Đánh giá về hiệu quả các mô hình và khả năng nhân rộng trên địa bàn huyện trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn nhận định: “Các mô hình được đề xuất nhân rộng phù hợp với nhu cầu, điều kiện nhân rộng, tiêu chí nhân rộng, phù hợp quy hoạch phát triển sản xuất, cơ cấu cây trồng, con vật nuôi của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Một số hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản có tác động tích cực đến nhận thức người dân, làm quen với hình thức tập thể, tổ hợp tác, gắn kết ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, cùng hỗ trợ, đóng góp lao động, quyền lợi trong việc thực hiện mô hình, tận dụng lao động nhàn rỗi tạo công ăn việc làm cho lao động, tạo động lực để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình để từng bước giảm nghèo bền vững. Bò là con vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu tại vùng núi và phong tục tập quán của người dân; thay đổi tập quán và phương thức làm ăn nhỏ lẻ, tự phát. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương để phát triển chăn nuôi bền vững, cách ly khu dân cư để tránh bị ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu dân cư và nơi sinh sống.
Mô hình trồng Đinh Lăng, Sâm Ngọc Linh, Rau Lũi là mô hình cây trồng rất thích hợp về thổ nhưỡng và khí hậu, người dân cũng đã có kinh nghiệm về trồng trọt và chăm sóc. Cho nên, đây là cây bản địa và chủ lực dễ sinh trưởng và phát triển tốt trên địa bàn huyện Nam Trà My đã được đầu tư và trồng tại các xã Trà Nam, Trà Tập theo nhóm hộ và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Vẫn còn đó những vướng mắc cần tháo gỡ
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, do địa hình đồi núi dốc, hố sâu, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã gây trở ngại trong việc chăn nuôi cũng như trồng trọt và sự rủi ro cũng như hiệu quả mang lại không cao so với đồng bằng. Mặc khác, trình độ canh tác của người dân còn ở mức thấp; việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; một số người dân còn tính ỷ lại, chưa nhiệt tình trong việc áp dụng kỹ thuật thực hiện mô hình mà canh tác theo thói quen truyền thống. Quy mô sản xuất nhỏ, giá bán các loại sản phẩm nông nghiệp không ổn định, nên người dân không yên tâm sản xuất. Năm 2019, nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo không thực hiện được là do theo quy định phải trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳm định, trình HĐND tỉnh xem xét thống nhất làm cơ sở để triển khai thực hiện. Về đơn giá một số cây dược liệu thường xuyên biến động, không ổn định trên thị trường, nhất là cây Sâm Ngọc Linh, nên việc xây dựng, thực hiện dự án và quyết toán nguồn kinh phí gặp rất nhiều khó khăn.
Việc thực hiện nội dung, mức chi xây dựng, quản lý; chi chuyên môn hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh và Quyết định sổ 2716/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, tại Quyết định số 2716/QĐ-UBND của UBND tỉnh, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo phải trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến thống nhất trước khi thực hiện, nên quá trình thực hiện kéo dài, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ còn thấp (20 triệu đồng đối với hộ nghèo; 17 triệu đồng đối với hộ cận nghèo và 14 triệu đồng đối với hộ mới thoát nghèo) nên không đáp ứng nhu cầu của hộ cũng như khó có điều kiện để thoát nghèo bền vững. Trên địa bàn huyện chưa có nhiều mô hình có hiệu quả, phát triển ổn định để làm cơ sở nhân rộng - ông Trà cho biết thêm.