Củ Sâm Ngọc linh
1. UBND huyện cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Kế hoạch tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ II năm 2018 gắn với Kỷ niệm 15 năm tái lập huyện; trong đó lưu ý, việc tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm tái lập huyện diễn ra tại sân khấu chính, trước khi chính thức khai mạc Lễ hội sâm. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị tại cuộc họp, giao Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chịu trách nhiệm tổng hợp, hoàn chỉnh Kế hoạch trình Thường trực UBND huyện xem xét và báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.
2. Về thời gian và địa điểm tổ chức: Thống nhất tổ chức Kỷ niệm 15 năm tái lập huyện vào lúc 19h00 - 19h45, Khai mạc Lễ hội Sâm vào lúc 20h00 ngày 01/08/2018 tại sân vận động Trung tâm VHTT-TT huyện.
3. Về công tác tuyên truyền: Đài Truyền Thanh - Truyền hình huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ II bằng nhiều hình thức phong phú, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, truyền hình, tin nhắn điện thoại, trên mạng xã hội Facebook, trairler trên youtube... để cho đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết đến Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ II-2018 gắn với kỷ niệm 15 năm tái lập huyện tại huyện Nam Trà My. Ngoài ra, còn phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, khu dân cư, trên loa di động để huy động và thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện tham gia.
4. Về tổ chức Hội trại tại Lễ hội: Giao Huyện đoàn chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức Hội trại trong thời gian diễn ra Lễ hội đảm bảo theo quy định. Trong đó, số lượng trại là 15 trại, các đơn vị trường học trên địa bàn xã cùng với xã đoàn làm 01 trại. Ban tổ chức hội trại quy định cụ thể tỷ lệ đoàn viên của xã tham gia hoạt động trại, sao cho phát huy được vai trò của đoàn viên, thanh niên địa phương. Tại các trại phải bố trí gian ẩm thực, các sản phẩm thủ công của đồng bào để giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào đến du khách.
5. Về trưng bày hình ảnh về sâm Ngọc Linh, triển lãm về Hoàng sa, Trường sa: Thống nhất tổ chức trưng bày ngoài trời tại sân vận động huyện, giao Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chủ trì, làm việc với các đơn vị liên quan để bố trí.
6. Về du lịch: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã xây dựng các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn để phục vụ du khách trong thời gian Lễ hội.
Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện chuẩn bị đầy đủ các nội dung, điều kiện và thường xuyên bố trí cán bộ tại Vườn sâm Tak Ngo để phục vụ nhu cầu khách đến thăm quan trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội.
UBND các xã chủ động xây dựng, hình thành các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn xã để phục vụ nhu cầu của du khách trong thời gian diễn ra Lễ hội và xem đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm du lịch của xã, tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch trên địa bàn xã trong thời gian đến.
Cơ quan Quân sự huyện chịu trách nhiệm huy động, bố trí lực lượng dân quân xã để chạy xe máy dịch vụ (xe ôm) phục vụ khách du lịch đến các điểm thăm quan.
7. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện: Chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ huyện, Văn phòng HĐND-UBND huyện tham mưu UBND huyện thành lập Ban tổ chức Lễ hội, các tiểu ban phục vụ Lễ hội... đảm bảo thực hiện tốt công tác tổ chức và phục vụ Lễ hội.
Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ II năm 2018 gắn với Kỷ niệm 15 năm tái lập huyện trình UBND huyện.
Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của Lễ hội, Lễ kỷ niệm và giấy mời trình UBND huyện xem xét trước ngày 30/4/2018.
Chủ trì, phối hợp với Trung tâm VHTT-TT huyện, Huyện đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức văn nghệ, các hoạt động vui chơi, giải trí tại Lễ hội nhằm phục vụ khách thăm quan và nhân dân trên địa bàn.
Chủ trì, phối hợp với UBND xã Trà Linh xây dựng chương trình, kịch bản cụ thể cho hoạt động rước biểu tượng Sâm Ngọc Linh theo bản sắc đặc trưng của người dân Xê đăng và xây dựng thành bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Xê đăng trong thời gian đến.
Phối hợp với Trung tâm Sâm Ngọc Linh, UBND các xã xây dựng kế hoạch, thể lệ, nội dung và cách thức tổ chức cuộc thi sâm tại Lễ hội; trong đó, thời gian tổ chức cuộc thi sâm vào sáng ngày 01/08/2018 và chỉ tổ chức thi đối với các loại sâm 05 năm tuổi trở lên.
Thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình công tác chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã báo cáo Thường trực UBND huyện để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
8. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ các nội dung, điều kiện cần thiết khác để tổ chức Phiên chợ Sâm tại Lễ hội theo kế hoạch đề ra; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia vào phiên chợ, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân buôn bán, kinh doanh Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu.
Chủ động làm việc với Sở Công thương về việc đăng ký, thiết kế nhãn mác, mẫu mã, bao bì các sản phẩm đặc trưng của huyện. Đồng thời, làm việc với Đội Quản lý thị trường, các đơn vị liên quan để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng bày bán tại phiên chợ, không để hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng lưu thông tại phiên chợ. Chủ động liên hệ với Điện lực Trà My, Công ty môi trường đô thị Quảng Nam để có phương án đảm bảo điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội.
9. Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương lập sơ đồ bố trí cụ thể từng khu vực tổ chức các hoạt động của Lễ hội tại sân vận động huyện. Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu chuấn bị tốt các điều kiện phục vụ Lễ hội.
10. Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện: Phối hợp với UBND các xã vận động các hộ trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện mang sâm đến trưng bày tại Lễ hội, đảm bảo số lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ tại phiên chợ. Phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện vận động các doanh nghiệp, những người chơi sâm Ngọc Linh trên cả nước về tham gia trưng bày, triển lãm sản phẩm sâm Ngọc Linh tại phiên chợ Sâm.
Phối hợp với Phòng Nội vụ huyện tham mưu UBND huyện thảnh lập Tổ hướng dẫn tuyên truyền về Sâm Ngọc Linh phục vụ Lễ hội. Đồng thời có kế hoạch hướng dẫn, tập huấn cho các thành viên Tổ về các nội dung, thông tin, cách nhận biết về cây Sâm, cây dược liệu trên địa bàn huyện để hướng dẫn, thuyết minh cho khách khi có yêu cầu.
11. Công an huyện; Đội quy tắc xây dựng & Môi trường huyện; Ban chỉ đạo an toàn giao thông huyện; UBND xã Trà Mai: theo nhiệm vụ đảm bảo công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; vệ sinh môi trường; đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường bộ, lề dường thông thoáng phục vụ Lễ hội.
12. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu UBND huyện bố trí nguồn kinh phí để tổ chức Lễ hội. Đồng thời, có kế hoạch kêu gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ kinh phí tổ chức Lễ hội nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách huyện.
13. UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận dộng nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: bằng loa, bằng các cuộc họp thôn, xã nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Lễ hội Sâm để nhân dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm và là chủ thể của Lễ hội. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tham gia Lễ hội đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
14. Văn phòng HĐND&UBND huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn dốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.