Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Lịch công tác tuần


Chi tiết tin

Tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII

Lượt xem: 2577

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trăn trở về những hiện tượng tiêu cực trong Đảng và xã hội, mà Người thường gọi là vấn nạn quan liêu, tham ô, lãng phí. Người đã để lại nhiều bài nói, bài viết về đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Việc nghiên cứu, học tập tài liệu quý báu đó có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.



Hồ Chủ Tịch nói chuyện với học viện trường nghệ thuật sân khấu Trung ương


1. Tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền, xây dựng tinh thần chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Trước hết, cần giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân: “Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng cùng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công…”.

Nội dung giáo dục cần phải phân tích cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy tác hại nghiêm trọng của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đó tạo nên sự căm phẫn trong Nhân dân về các hành vi này và sự cần thiết phải đấu tranh loại bỏ nó. Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tích rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Từ đó khuyến khích quần chúng mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: về phương thức giáo dục, cần thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức,… Giáo dục tinh thần trong sạch, liêm khiết trong toàn bộ cán bộ, công chức để giúp họ không vi phạm; đồng thời kỷ luật thích đáng với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn, sửa chữa.

2. Hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”; đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, quản lý và sử dụng biên chế,… Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm và tăng hình phạt xử lý kẻ tham nhũng một cách thích đáng, đủ sức răn đe. Tăng cường pháp chế, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên thực tế.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước.

Bộ phận chuyên trách làm công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò quan trọng trong thực thi nhiệm vụ, không chỉ phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tiêu cực, mà còn phải phát hiện những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để giúp Trung ương hoàn thiện, từ đó hạn chế những hành vi tiêu cực; giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra những biện pháp tích cực chống tiêu cực.

4. Phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế để huy động Nhân dân tham gia phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tăng cường công tác dân vận của Đảng và chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, các đoàn thể, Nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực hiện nghiêm việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân. Xây dựng và thực hiện Quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức, có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp.

Để Nhân dân có thể kiểm soát được cán bộ thì phải xây dựng được cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trước hết là trong hoạt động tài chính. “Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai, sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãnh phí, tham ô”.

5. Tổ chức học tập, thảo luận, liên hệ và lựa chọn những việc làm theo của tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Việc tổ chức học tập, thảo luận, liên hệ và lựa chọn những việc làm theo của tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện theo Hướng dẫn số 16-HD/HU, ngày 04/4/2017 của Huyện ủy sinh hoạt, học tập chuyên đề năm 2017.

Các cơ quan tuyên truyền, báo chí, xuất bản trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung chuyên đề năm 2017; chú trọng biểu dương, nhân rộng những điển hình, cách làm hay, gương người tốt việc tốt của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, vận động Nhân dân tích cực học tập và làm theo Bác, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở địa phương, cơ sở, tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tác giả: Ban Tuyên giáo Huyện ủy


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: