Sĩ quan trẻ là một bộ phận ưu tú của thanh niên quân đội, vừa mang đầy đủ bản chất và truyền thống của thanh niên Việt Nam, vừa được giáo dục, bồi dưỡng về bản chất và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đội ngũ sĩ quan trẻ còn là lực lượng nòng cốt đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc của các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội. Trải qua quá trình học tập, rèn luyện tại các học viện, nhà trường quân đội và thực tiễn công tác ở đơn vị, sĩ quan trẻ từng bước tích lũy được hệ thống tri thức, kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp phong phú, trở thành các phẩm chất, năng lực nghề nghiệp, phát huy mạnh mẽ trong thực tiễn công tác, tạo nên những thành tích nổi bật góp phần vào sự phát triển chung của đơn vị, quân đội.
Những năm qua, tuyệt đại đa số sĩ quan trẻ trong Quân khu nói chung, của lực lượng vũ trang huyện Nam Trà My nói riêng luôn phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, do tác động từ nhiều yếu tố, một bộ phận có biểu hiện thiếu yên tâm công tác, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, bồi dưỡng tình yêu nghề nghiệp cho đội ngũ này, giúp họ tin tưởng, yêu nghề, yên tâm công tác, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tình yêu nghề nghiệp là tình cảm say mê, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác và thái độ sẵn sàng đi tới cùng với nghề mà mình lựa chọn. Đối với đội ngũ sĩ quan trẻ lực lượng vũ trang huyện, ngoài những phẩm chất trên thì tình yêu nghề nghiệp của họ còn là niềm tin đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng, được thể hiện ở lòng khát khao cống hiến trong Quân đội và luôn gắn bó với nghề nghiệp quân sự; là nền tảng, động lực thôi thúc họ phấn đấu vươn lên trong môi trường quân ngũ, v.v. Nhận thức đúng điều đó, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang huyện luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng tình yêu nghề nghiệp cho sĩ quan trẻ với nhiều nội dung, hình thức đa dạng; tạo điều kiện tốt nhất để họ yên tâm công tác, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch, đề nghị tuyển chọn, tuyển dụng, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng đúng nguyên tắc; sắp xếp, bổ nhiệm đúng chuyên môn, chuyên ngành đào tạo. Nhờ đó, đa số sĩ quan trẻ có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, yên tâm công tác, gắn bó với con đường binh nghiệp; nhận thức đúng về nhiệm vụ, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, sát cánh cùng bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trên các cương vị, chức trách được giao, được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Hầu hết sĩ quan trẻ quan niệm con đường binh nghiệp không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Tổ quốc, mà họ yêu mến, gắn bó với nghề nghiệp quân sự còn để dấn thân, phấn đấu lập thân, lập nghiệp và trưởng thành trong môi trường Quân đội.
Tuy nhiên, vẫn còn số ít sĩ quan trẻ nhận thức giá trị nghề nghiệp quân sự chưa đầy đủ, ít quan tâm đến tích lũy tri thức, kinh nghiệm; chưa nỗ lực học tập, rèn luyện, thiếu tâm huyết, trách nhiệm trong công việc; chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cống hiến với hưởng thụ, đề cao lợi ích cá nhân, “Đứng núi này, trông núi nọ”, ngại khó, sợ khổ. Cá biệt có những biểu hiện giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật kém, sống buông thả,… dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật, không còn động cơ phục vụ lâu dài trong Quân đội. Nguyên nhân của hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, do tác động mặt trái của kinh tế thị trường; điều kiện hoàn cảnh gia đình; môi trường làm việc, v.v. Song, một phần trách nhiệm lớn thuộc về một số cấp ủy, chỉ huy chưa làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng động cơ, tình yêu nghề nghiệp cho sĩ quan trẻ. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bồi đắp lòng yêu nghề cho đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay là vấn đề rất quan trọng; là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân khu nói chung, lực lượng vũ trang huyện nói riêng. Để bồi dưỡng tình yêu nghề nghiệp cho sĩ quan trẻ trong lực lượng vũ trang huyện Nam Trà My hiện nay, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị, vị thế nghề nghiệp quân sự; thúc đẩy nhu cầu tự học, tự rèn, tự khẳng định của sĩ quan trẻ. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, vì nhận thức là cơ sở của hành động thực tiễn; có nhận thức đúng đắn, đầy đủ mới có động lực, quyết tâm cao nhất, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục giá trị nghề nghiệp quân sự cho sĩ quan trẻ; trong đó, coi việc giáo dục giá trị nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ song hành với quá trình bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực cho đội ngũ này ở đơn vị. Từ đó, thường xuyên chú trọng, đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, định hướng tình yêu nghề nghiệp cho sĩ quan trẻ. Về nội dung, ngoài việc tuyên truyền giá trị vật chất của nghề nghiệp quân sự là quan trọng, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung làm rõ giá trị chính trị xã hội; bởi nó là giá trị cơ bản, động lực quyết định giúp mỗi người vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, yên tâm, gắn bó với cơ quan, đơn vị. Về hình thức, chú trọng các hình thức tuyên truyền giáo dục thông qua sinh hoạt chính trị quán triệt nghị quyết, chỉ thị của trên; hội nghị, tọa đàm, hội thảo khoa học; sinh hoạt tự phê bình và phê bình; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phân tích chất lượng đảng viên, chất lượng cán bộ để định hướng mục tiêu phấn đấu đúng đắn, kịp thời uốn nắn, khắc phục những lệch lạc trong nhận thức và thái độ đối với nghề nghiệp quân sự cho sĩ quan trẻ. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng; trong đó, đề cao tính tiền phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm, năng lực, trí tuệ, phong cách, tác phong công tác, đoàn kết, kỷ luật, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ các cấp để họ là tấm gương sáng về nghề nghiệp cho sĩ quan trẻ học tập, noi theo và hướng tới. Đồng thời, thúc đẩy nhu cầu tự học tập, rèn luyện, hoàn thiện của sĩ quan trẻ thông qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình; đánh giá, nhận xét khách quan, trung thực, giúp họ nhận thức đúng ưu điểm, hạn chế của mình để xây dựng kế hoạch tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu phù hợp.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý sĩ quan trẻ ở đơn vị. Đây là cơ sở quan trọng để nắm chắc khuynh hướng chính trị, tư tưởng, xu hướng nghề nghiệp cũng như nhận thức, thái độ và sự lựa chọn các giá trị nghề nghiệp của sĩ quan trẻ. Qua đó, đề ra những giải pháp phù hợp để tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho họ; kịp thời phát hiện, uốn nắn những tư tưởng, nhận thức, thái độ lệch chuẩn giá trị nghề nghiệp quân sự. Theo đó, nội dung quản lý sĩ quan trẻ phải toàn diện cả số lượng và chất lượng, nhất là về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác, nhu cầu nguyện vọng, các mối quan hệ xã hội, điều kiện sống và hoàn cảnh gia đình của từng con người và cả đội ngũ, v.v. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tích cực đổi mới phương pháp quản lý, chỉ huy phù hợp; phát huy vai trò của của các tổ chức trong đơn vị; tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, địa phương với đơn vị để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, các mối quan hệ xã hội của sĩ quan trẻ.
Ba là, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh trong đơn vị, tạo điều điện để đội ngũ sĩ quan trẻ khẳng định mình trong thực tiễn. Sĩ quan trẻ trong lực lượng vũ trang huyện trực tiếp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với cường độ cao, đóng quân ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, việc bảo đảm cơ sở vật chất cho thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ có đơn vị còn khó khăn; thiếu các điều kiện để họ áp dụng tri thức, phát triển những ý tưởng sáng tạo trong thực tiễn công tác. Để họ có đủ động lực vượt qua những khó khăn đó, điều cốt yếu là lòng yêu nghề, niềm khát khao được cống hiến, năng lực, sở trường của họ được đặt đúng vị trí, được ghi nhận và đề bạt. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực thiện tốt công tác cán bộ; sắp xếp, bố trí, sử dụng sĩ quan trẻ đúng người, đúng việc để phát huy tài năng, năng lực, sở trường trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng công tác quy hoạch và thực hiện nghiêm lộ trình phát triển cho đội ngũ sĩ quan trẻ, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đến những nỗ lực của cán bộ trẻ; qua đó, giúp họ có động lực phấn đấu, xây dựng những hoài bão cao đẹp về tương lai cuộc đời binh nghiệp. Đồng thời, chống mọi biểu hiện thiên vị, chủ quan trong công tác cán bộ, gây hoài nghi, bất bình, mất niềm tin và về lâu dài gây thui chột những nỗ lực phấn đấu của sĩ quan trẻ, làm lệch chuẩn định hướng nghề nghiệp quân sự ở họ, tạo dư luận xấu trong đơn vị.
Để tạo cho họ những điều kiện trải nghiệm bản thân với những cương vị, chức trách mới, cần quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ, đặt họ vào những thử thách mới, nhiệm vụ khó, những tình huống có vấn đề, buộc họ phải tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện trong thực tiễn. Thường xuyên quan tâm bảo đảm tốt nhất các điều kiện cơ sở vật chất và môi trường làm việc để họ phát huy sở trường, năng lực, đóng góp tài năng. Đồng thời, cần có cơ chế, quy định riêng cho đội ngũ này phù hợp với quy định chung, điều kiện đặc thù của từng đơn vị để khích lệ họ áp dụng tri thức, phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bốn là, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ sĩ quan trẻ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định. Thực tế cho thấy, động lực vật chất, tinh thần là yếu tố quan trọng, có tác động mạnh mẽ tới chất lượng, hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”. Để đội ngũ sĩ quan trẻ yêu nghề, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước trong Quân đội, bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho họ, như: chính sách nhà ở; tạo điều kiện tối đa để họ hợp lý hóa gia đình, được đào tạo và đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao trình độ, năng lực; chăm lo đảm bảo tốt nhu cầu văn hóa - tinh thần chính đáng, v.v. Cơ quan chức năng các cấp cần chủ động rà soát quá trình thực hiện các chính sách này để phát hiện những bất cập, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan, đơn vị phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, đồng đội, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ sĩ quan trẻ về mọi mặt, nhất là những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, ổn định hậu phương, yên tâm công tác.
Năm là, Bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ theo tinh thần “7 dám”. Phát biểu trong Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung". Theo đó, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ sỹ quan trẻ theo tinh thần “7 dám” là nội dung quan trọng, quyết định đến sự nghiệp xây dựng Quân đội trong giai đoạn hiện nay. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích và chỉ rõ: Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tôi yêu cầu trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra, bởi người cán bộ, chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị. Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đòi hỏi phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, đội ngũ sĩ quan trẻ nói riêng theo tinh thần “7 dám”.
Bồi dưỡng tình yêu nghề nghiệp cho đội ngũ sĩ quan trẻ trong lực lượng vũ trang huyện là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, cũng như thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Giúp cho sĩ quan trẻ để vươn lên chiếm lĩnh các tri thức, phẩm chất, năng lực nghề nghiệp quân sự và vận dụng chúng đạt hiệu quả cao nhất nhằm hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây còn là phẩm chất chính trị tinh thần, là nguồn gốc thúc đẩy tính tích cực, quy định chiều hướng phát triển, tính chất hoạt động và điều chỉnh hành vi của sĩ quan trẻ trong môi trường quân sự. Để xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ có đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.