Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Lịch công tác tuần


Chi tiết tin

Hướng tới kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Nam Trà My (01/8/2003 – 01/8/2023)

Lượt xem: 767

Hoàn cảnh ra đời của huyện Nam Trà My

Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ta tiến hành từng bước việc thành lập chính quyền và phân định địa giới hành chính ở Trà My. Tháng 12/1946, Phòng Liên lạc quốc dân thiểu số Trà My được thành lập. Công tác xây dựng chính quyền cách mạng thôn xã, được triển khai mau chóng và khá thuận lợi nhờ sự ủng hộ nồng nhiệt của nhân dân, nhất là ở vùng thấp. Nhiều đơn vị thôn, xã được tổ chức. Đơn vị thôn lập dựa theo làng cũ của đồng bào. Đơn vị xã được xây dựng theo tổng cũ của thực dân Pháp trước đây. Uỷ ban xã gồm 3 người: một Chủ tịch, một phó Chủ tịch và một ủy viên thư ký. Về tên gọi, thôn lấy theo tên làng cũ, xã đặt theo tên núi chính, tên con suối thân thuộc với đồng bào.

Kết quả đã thành lập được chính quyền các xã: Trà Tak Nú, Trà Tak Zút, Trà Tak Poa, Trà Ngok Tu, Trà Tak Rây, Trà Tak Bền, Trà Kiếp Cang, Trà Ngok Tập, Trà Tak Leng, Trà Tak Pui... Ngày 19/ 3/1947, châu Trà My được thành lập, gồm cả vùng đất Trà My và Phước Sơn ngày nay. Tháng 10.1948, châu Trà My được tách ra thành hai huyện là Trà My và Phước Sơn.

Từ tháng 3 năm 1961 đến tháng 3 năm 1963, huyện Trà My được sáp nhập với  huyện Phước Sơn thành huyện Trà Sơn. Tháng 3 năm 1963, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác chỉ đạo miền núi, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương giải thể huyện Trà Sơn, để thành lập các khu. Huyện Trà My bao gồm khu II và khu III. Về sau, bỏ tên gọi khu và gọi là huyện. Khu II là huyện Bắc Trà My (phần đất phía Bắc sông Tranh gồm các xã Nam Bền, Bắc Bền, Cang, Tập, Iếp, Leng, Xiêm Rang, Đốc, Pui); Khu III là huyện Nam Trà My (phần đất phía Nam sông Tranh gồm 13 xã: Mai, Ngheo, Poa, Riềng, Giác, Tong, Nú, Kót, Trà Ngươi, Zút, Rây, Don, Vân Nãi).

Ngày 30/4/1975 đất nước được hoàn toàn thống nhất, nhân dân các dân tộc huyện Trà My tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Ngày 11/6/1975 hai huyện Nam – Bắc Trà My hợp nhất thành huyện Trà My. Sau ngày hợp nhất, Đảng bộ và đồng bào, nhân dân các dân tộc huyện Trà My đã ra sức đoàn kết phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Từ đó, đời sống các đồng bào các dân tộc trong huyện đã từng bước được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần; văn hoá, y tế, giáo dục được chú trọng, cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến phù hợp với đặc điểm miền núi. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được coi trọng và mở rộng. Đảng bộ huyện luôn quan tâm tới công tác phát triển Đảng viên mới là người dân tộc thiểu số, công tác xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng đạt “Trong sạch vững mạnh”, công tác bồi dưỡng, đào tạo quy hoạch cán bộ có nhiều tiến bộ.

Huyện Nam Trà My được tái lập và những thành tựu nổi bật từ (2003-2023)

  Ngày 20/6/2003, Chính phủ có Nghị định số 72/2003/ NĐ-CP, chia huyện Trà My thành hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Theo đó, huyện Bắc Trà My gồm các xã Trà Đông, Trà Dương, Trà Giang, Trà Nú, Trà Kót, Trà Tân, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka và thị trấn Trà My; huyện Nam Trà My gồm các xã Trà Don, Trà Leng, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Nam, Trà Cang, Trà Mai, Trà Linh. 

Đ/c Lê Minh Ánh – PCTUBND tỉnh Quảng Nam, công bố Nghị định số 72/2003/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc chia tách huyền Trà My thành hai đơn vị hành chính mới

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài và phát huy nội lực đã phấn đấu đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nên những dấu ấn trong hành trình khát vọng phát triển.

Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên. Khi mới tái lập huyện Đảng bộ có 26 TCCS với 739 đảng viên, đến tháng 6/2023, Đảng bộ huyện đã có 42 TCCS đảng, tăng 1,6 lần so với năm 2003 (gồm 10 đảng bộ cơ sở xã, 02 đảng bộ khối lực lượng vũ trang và 30 chi bộ cơ sở khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện), với 1.811 đảng viên tăng gấp 2,5 lần so với năm 2003. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện có 100% đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên; lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; trong đó hơn 16% có trình độ chuyên môn sau đại học; cán bộ nữ là cấp ủy chiếm tỷ lệ gần 11%. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã 100% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên và chuyên môn trung cấp trở lên. Đối với cán bộ chủ chốt xã: 100% có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó 37% cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Tập trung xây dựng Đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức luôn phát huy tính tiền phong gương mẫu. (Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của BCHTW về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm, cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đã xuất hiện nhiều tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu nhiều năm liền. Đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong huyện, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, năm 2003, giao thông chỉ có đường DT 616 đến xã Trà Mai, chưa có đường giao thông từ trung tâm huyện về các xã thì đến nay đã có 55 km đường Quốc lộ (Quốc lộ 40B từ Tam kỳ qua trung tâm hành chính huyện kết nối với huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; đường Đông Trường Sơn đã được thông tuyến); tuyến tỉnh lộ đều đã được cải tạo, nâng cấp với quy mô từ cấp IV đồng bằng trở lên; Các tuyến giao thông trọng điểm như hạ tầng vùng sâm Măng Lùng, Trà Vinh – Đăk Ru (tỉnh Kon Tum) 11 tuyến đường ĐH và đường liên xã với tổng chiều dài 150 km đã và đang được nâng cấp, đầu tư xây dựng; 85,66 km đường trục xã cơ bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 67,20% đường thôn, xóm được cứng hóa, bê tông hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân. Hạ tầng thuỷ lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cũng được quan tâm đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 300 tỷ đồng, hệ thống thủy lợi đáp ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống lụt bão.

Hệ thống lưới điện được cải tạo, nâng cấp mạnh mẽ với 112 Trạm biến áp, 344 km đường dây trung thế, 54 km hạ thế. Huyện đưa vào quy hoạch và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư 11 dự án thủy điện với tổng công suất 201,9MW, 01 dự án đường dây và TBA 110KV dùng chung đấu nối cụm thủy điện Nam Trà My vào hệ thống điện Quốc gia. Đến nay đã có 4/11 thủy điện đã phát điện, cùng với việc hoàn thành dự án đường dây và TBA 110KV cấp điện vào hệ thống điện lưới quốc gia, đã không còn sự cố mất điện, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cụm công nghiệp Trà Mai – Trà Don diện tích mặt bằng 05 ha, mức đầu tư hạ tầng trên 10 tỷ đồng và đa; dự kiến đầu tư 02 cụm công nghiệp (cụm Công nghiệp Trà Dơn – Trà Leng và cụm Công nghiệp Trà Nam – Trà Linh, với tổng mức đâu tư dự kiến 30 tỷ đồng).

Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, năm 2003 đa số phòng học, nhà ở học sinh, nhà ở giáo viên xây dựng tạm hoặc cấp 4, đến nay đã được xây dựng kiên cố hoá khang trang. Điểm trường chính 100% được xây dựng kiên cố; các điểm trường thôn những nơi có đường giao thông xe cơ giới đến được thì đã xây dựng kiên cố. Các công trình nước sinh hoạt được đầu tư, 10/10 xã người dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Mạng lưới viễn thông được phát triển nhanh, đồng bộ.

Trụ sở làm việc của hệ thống chính trị từ huyện đến các xã được đầu tư xây dựng mới đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức; Trung tâm Y tế huyện, các Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng và củng cố. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư trùng tu, tôn tạo, đặc biệt đã xây dựng Khu Di tích Liên Khu ủy và Ban Quân sự Khu V (Căn cứ Nước Là); Bia tưởng niệm Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam, xây dựng điểm du lịch Vườn Sâm Tắk Ngo, làng Tak Chươm Trà Mai. Đến nay xã Trà Mai đã được công nhận đô thị loại V miền núi.

Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 12/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, khai trương và đưa vào hoạt động thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện. Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa vào phục vụ kịp thời, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Chất lượng đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực, công tác đào tạo, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số đã được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30,75% (tăng 8,55% so với đầu nhiệm kỳ). Số lao động có việc làm mới tăng trung bình hằng năm là 600 lao động. Cơ cấu lao động ở các ngành là Nông nghiệp: 88,89%; Công nghiệp: 2,75%; Dịch vụ: 8,36%. Cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, huyện đã thành lập Tổ xúc tiến thu hút đầu tư vào địa bàn, từ năm 2016 đến nay đã có trên 50 cá nhân, doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư. Thành lập 03 hợp tác xã (HTX) đầu tư, kinh doanh trên các lĩnh vực ngành nông nghiệp, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhân dân. Chương trình sản phẩm OCOP đến nay toàn huyện có 22 sản phẩm đạt chất lượng 3-4 sao, trong đó có 01 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao.

Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, năm 2003 nền kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất theo phương thức cũ lạc hậu, tự cung tự cấp, đến nay cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành có chuyển biến tích cực ngành nông lâm nghiệp chiếm 21,%; ngành Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm gần  25% và ngành Thương Mại Dịch vụ  vươn lên chiếm 54,%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn những năm gần đây  luôn đạt  9% đến 10%.

Tốc độ phát triển công nghiệp – xây dựng, tiểu thủ công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng toàn huyện năm 2022 (giá so sánh 2010) đạt 186,23 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2003. Nông lâm nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện, tăng trưởng cả về năng suất, sản lượng; thu nhập trung bình trên một ha canh tác năm 2022 đạt 27,5 triệu đồng, tăng  1,8 lần  so với năm 2003; hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp được nâng cao rõ rệt.

Công tác quy hoạch phát triển vùng dược liệu, Sâm Ngọc được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tổ chức cho thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng cho 41 nhóm hộ/513 hộ, diện tích: 469,96 ha; Tổ chức, doanh nghiệp: 19 đơn vị; diện tích: 364,52 ha. Thành tựu nổi bật đó là đưa cây Sâm Ngọc linh ( Sâm đốt trúc, Sâm K5 từ cây thuốc giấu của đồng bào Xê đăng), đã được Chính phủ công nhận tại Quyết định số 787/QĐ-TTg, ngày 5/6/2017  phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam vào danh mục sản phẩm quốc gia, cùng với Đề án 611/QĐ-TTG ngày 01/6/2023 Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Phiên Chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản hàng tháng huyện Nam Trà My được tổ chức định kỳ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng và tổ chức lễ hội sâm đinh kỳ hàng năm vào ngày 1/8. Tại đây bà con trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu, nông sản đưa sản phẩm đến trao đổi, giao thương. Bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 50 ký sâm củ cùng hàng trăm mặt hàng dược liệu, nông sản đặc trưng được người dân đem tới bày bán với doanh thu hơn 5 tỉ đồng. Qua đây tạo được ấn tương với mọi người đặc biệt hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến tham quan mua sắm.

Bên cạnh đó, các loại cây dược liệu bản địa như Đẳng sâm, Đương quy, Thất dịp nhất chi hoa, Quế Trà My được ưu tiên khuyến khích phát triển; hiện toàn huyện trồng mới được 2.597ha, nâng tổng diện tích Quế hiện có lên trên 3.600ha. Thành lập vườn ươm giống cây dược liệu tại thôn 1 xã Trà Nam, nhằm cung cấp cây giống để nhân dân trồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đã triển khai sắp xếp 57 KDC/2.588 hộ. Công tác xây dựng nông thôn mới tỷ lệ bình quân tiêu chí nông thôn mới trên toàn huyện đạt 105 tiêu chí/xã, có 02/10 xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên, 08/10 xã dưới 13 tiêu chí. Xã Trà Mai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Văn hóa - xã hội có bước tiến đáng kể, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả. Toàn huyện có 32 đơn vị trường học, hơn 9.400 học sinh. Đến nay đã công nhận 10 trường học đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 34%. Cơ sở vật chất  trang thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm đáp ứng yêu cầu dạy học. Công tác phổ cập giáo duc cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học - Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn hằng năm đạt được mục tiêu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, toàn huyện có 29 bác sỹ. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai có hiệu quả.

 Công tác thông tin - tuyên truyền đạt hiệu quả, xây dựng mới 23 trạm thu phát sóng và hệ thống mạng internet cáp quang ở 09/10 xã và 01 xã dùng mạng 3G. Hệ thống phát thanh - truyền hình huyện hoạt động hiệu quả, kịp thời. 09/10 xã có hệ thống truyền thanh không dây. Tỷ lệ hộ xem truyền hình và nghe sóng phát thanh đạt 85%. Công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện. Từ năm 2017 đến nay tổ chức thành công Lễ hội Sâm Ngọc Linh hằng năm, thu hút đông đảo du khách tham quan. Tổ chức nhiều hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách được thực hiện kịp thời. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công 100% người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn được chăm lo. Kịp thời chi trả chế độ hàng tháng cho 500 người là thân nhân gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học da cam. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có được sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của toàn xã hội. Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện có hiệu quả, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động; tỷ lệ người dân  tham gia bảo hiểm y tế năm 2022 đạt 99,8%. Công tác giảm nghèo được đặc biệt quan tâm với phương châm 3 cán bộ công chức, viên chức, người lao động giúp 1 hộ đăng ký thoát nghèo, đến nay toàn huyện không có hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, số hộ giàu có, khá giả tăng lên nhanh chóng. Đến cuối 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 44,69% theo chuẩn mới, giảm  25,69% so với năm 2004 (70,38%).

Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tập trung chỉ đạo thường xuyên, tăng cường vững chắc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh. Hằng năm, hoàn thành 100% kế hoạch tuyển quân; hoạt động huấn luyện, diễn tập, chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn luôn được thực hiện tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những chuyển biến mạnh mẽ về chất; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và nâng cao. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện đảm bảo quy định của pháp luật; chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các sai phạm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội ở các đơn vị và cơ sở, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh nông thôn.

 Hoạt động đối ngoại được mở rộng và tăng cường. Huyện đã kết nghĩa, hợp tác với quận Hamyang (tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc) để trao đổi, học tập kinh nghiệm trồng và phát triển Sâm Ngọc Linh; kết nghĩa, hợp tác với huyện Bảo Yên (Lào Cai); huyện Vân Yên (Yên Bái), để tăng cường trao đổi kinh nghiệm trồng, phát triển cây Quế. Bên cạnh đó, duy trì quan hệ kết nghĩa với thành phố Tam Kỳ.

Hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND các cấp được nâng lên đáng kể. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có sự đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tập hợp đoàn kết được đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Nam Trà My viết tiếp trang sử mới xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững, văn minh./.

Tác giả: Sông Tranh

Nguồn tin: Trung Tâm Chính trị huyện


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: