Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Lịch công tác tuần


Chi tiết tin

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: NHIỀU DẤU ẤN ĐỔI MỚI TRONG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIV

Lượt xem: 1500

Sáng 26/3, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các đại biểu đánh giá cao và khẳng định những thành tựu, đổi mới của Quốc hội khóa XIV sẽ là tiền đề, nền tảng quan trọng cho nhiệm kỳ sau.




Phiên họp toàn thể Quốc hội

Chất lượng công tác lập pháp được nâng cao

Đồng tình và đánh giá cao nội dung cơ bản tại Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, với 72 luật và nhiều pháp lệnh, nghị quyết được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc tạo tiền đề cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu quả hoạt động nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án luật trước khi biểu quyết thông qua được thẩm tra, cho ý kiến và thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Nhiều đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Một dấu ấn trong hoạt động lập pháp là Quốc hội đã chú trọng việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của hệ thống pháp luật đồng thời đã triển khai nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị một số dự án luật chưa thực hiện được trong nhiệm kỳ sẽ được nhiệm kỳ sau tiếp tục nghiên cứu, xem xét hoàn thiện; công tác lấy ý kiến cử tri, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình dự thảo luật cũng cần được chú trọng và nâng cao hiệu quả;....




Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Cần đẩy mạnh “hậu” giám sát

Ấn tượng với kết quả của hoạt động giám sát, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Trong nhiệm kỳ Quốc hội 2016 -2021, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới và ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Thông qua hoạt động giám sát đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trên thực tế, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát cũng còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt vấn đề “hậu” giám sát chưa được chú trọng tương xứng với vai trò, ý nghĩa của hoạt động “hậu” giám sát. Hoạt động “hậu” giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của cử tri. Có thể thấy, nhiều nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát không được cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện triệt để, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chỉ thực hiện mang tính hình thức dẫn đến các vấn đề nổi lên về kinh tế - xã hội chậm được khắc phục. Thực tế này đã và đang làm giảm hiệu quả của hoạt động giám sát, gây lãng phí nguồn lực.

Những hạn chế, bất cập này theo đại biểu cần được nghiên cứu cải tổ và tiếp tục đổi mới trong nhiệm kỳ tới.




Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước

Tán thành với dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, Quốc hội khóa XIV đã có một nhiệm kỳ ấn tượng với nhiều đổi mới mạnh mẽ trong công tác điều hành và hoạt động. Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt hoạt động từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với kết quả này, Quốc hội khóa XIV xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, phát triển vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng cao tốc trên tuyến Bắc – Nam;...

Bên cạnh đó, theo đại biểu, một dấu ấn đậm nét của Quốc hội nhiệm kỳ này là Quốc hội đã lắng nghe và luôn bám sát nguyện vọng của cử tri; chú trọng nghiên cứu tiếp thu những ý kiến kiến nghị của cử tri; Đại biểu Quốc hội đã giữ vai trò là trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu cùng với những kết quả đạt được thì nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng không tránh khỏi một số vấn đề còn vướng mắc như: một số dự án luật đưa vào chương trình nhưng chưa đánh giá toàn diện tác động; một số quy định chậm sửa đổi; kết quả “hậu” giám sát chưa cao;....Những vấn đề này cần tiếp tục được hoàn thiện tại nhiệm kỳ sau.




Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Từ thực tiễn hoạt động, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với thành tựu và dấu ấn đổi mới sâu sắc trong nhiệm kỳ 2016 -2021 sẽ tạo nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo kế thừa, pháp huy truyền thống quý báu của Quốc hội. Quốc hội sẽ không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.


Tác giả: Thế Anh


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: